DNS là gì? Tại sao Internet không thể hoạt động nếu thiếu DNS

dns là gì? tại sao internet không thể hoạt động nếu thiếu dns

DNS là một thành phần cốt lõi của Internet, giúp người dùng dễ dàng truy cập các trang web thông qua tên miền dễ nhớ thay vì địa chỉ IP phức tạp. Mặc dù hệ thống DNS hoạt động ẩn dưới bề mặt, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo mọi hoạt động trực tuyến được diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về “hệ thống tên miền”.

DNS là gì?

Hệ thống tên miền (DNS – Domain Name System) là một dịch vụ quản lý tên trên Internet, nó hoạt động theo kiểu phân cấp và phân tán, giúp gán tên cho các máy tính, dịch vụ và tài nguyên khác trên mạng Internet hoặc các mạng dùng Giao thức IP. DNS kết nối thông tin với tên miền (chuỗi ký tự dễ nhớ) để giúp xác định các thiết bị hoặc dịch vụ cụ thể.

Hiểu đơn giản hơn “hệ thống tên miền” sẽ phân giải tên miền phức tạp được sử dụng trong mạng Internet để quản lý và chuyển đổi tên miền (ví dụ: www.websitedanang.vn) thành địa chỉ IP – Giao thức Internet (ví dụ: 172.217.15.78) mà máy tính có thể hiểu và sử dụng để định tuyến các yêu cầu qua mạng Internet.

1. Cách mà DNS hoạt động

Mỗi trang web đều sẽ có duy nhất một địa chỉ IP (Internet Protocol) – một dãy số duy nhất dùng để nhận diện các thiết bị (như máy tính, điện thoại, máy chủ) khi chúng kết nối với Internet hoặc một mạng nội bộ. Tất cả các thiết bị kết nối vào mạng đều cần một địa chỉ IP để giao tiếp với nhau, tương tự như việc mỗi ngôi nhà cần một địa chỉ để nhận thư tín.

Hệ thống tên miền hoạt động như một “danh bạ” của Internet, giúp làm cầu nối giữa việc nhập tên miền và việc máy tính cần địa chỉ IP để truy cập trang web. Thay vì bạn phải nhớ dãy số dài (địa chỉ IP) để truy cập vào các trang web, thì giờ đây nhờ có DNS chúng ta chỉ cần nhớ tên miền và nhập vào trình duyệt (như google.com) => Hệ thống tên miền sẽ làm công việc chuyển đổi tên miền đó thành địa chỉ số IP mà máy tính sử dụng để tìm đúng trang web => Rồi trả kết quả trang web chính xác cho bạn.

cách mà dns hoạt động
Cách mà DNS hoạt động

Ví dụ, khi bạn nhập websitedanang.vn vào trình duyệt, DNS sẽ tìm ra địa chỉ số của Google (giống như tìm số điện thoại trong danh bạ) và giúp bạn kết nối đến trang web mà không cần nhớ các dãy số phức tạp.

2. Cấu trúc của hệ thống tên miền

DNS có cấu trúc phân tán và hoạt động dựa trên một hệ thống phân cấp gồm nhiều loại máy chủ khác nhau, bao gồm:

  • Root Name Server (Máy chủ gốc): Đây là cấp cao nhất trong “hệ thống tên miền”. Máy chủ gốc lưu trữ thông tin về các tên miền cấp cao nhất (TLD – Top-Level Domains) như “.com”, “.org”, “.net”. Khi có một truy vấn tên miền, root server sẽ không trực tiếp trả về địa chỉ IP mà chỉ hướng dẫn truy vấn đến máy chủ TLD liên quan.
  • TLD Name Server (Máy chủ tên miền cấp cao nhất): Sau khi root server chỉ định, truy vấn sẽ được gửi tới máy chủ TLD, nơi lưu trữ thông tin về tên miền phụ thuộc vào phần mở rộng của tên miền (như “.com” hoặc “.vn”). Máy chủ TLD sau đó sẽ chỉ dẫn đến máy chủ có thẩm quyền.
  • Authoritative Name Server (Máy chủ có thẩm quyền): Đây là máy chủ cuối cùng trong chuỗi. Máy chủ này lưu trữ thông tin chi tiết về tên miền cụ thể và trả về địa chỉ IP cho tên miền đã yêu cầu.

3. Các thành phần chính của DNS

  • Nameserver (NS): Máy chủ DNS chịu trách nhiệm lưu trữ và phân giải tên miền.
  • A Record (Address Record): Trỏ tên miền đến địa chỉ IP của máy chủ.
  • CNAME Record (Canonical Name Record): Trỏ một tên miền phụ (subdomain) đến một tên miền chính.
  • MX Record (Mail Exchange Record): Xác định máy chủ email cho tên miền.
  • TXT Record: Chứa thông tin xác minh hoặc cấu hình cho email, bảo mật.
  • AAAA Record: Giống A Record nhưng dành cho địa chỉ IPv6.
  • SRV Record: Xác định vị trí của các dịch vụ cụ thể.

Vì sao bạn cần đến một dịch vụ lưu trữ DNS hoàn hảo?

DNS giúp internet không chỉ dễ sử dụng mà còn hoạt động trơn tru, tải nội dung mà chúng ta yêu cầu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nó là một trong những nền tảng cơ bản của cách mà internet vận hành. Nếu không có DNS, chúng ta sẽ phải ghi nhớ những chuỗi số dài (địa chỉ IP) để truy cập vào các trang web. Nếu DNS không thể dịch tên miền thành địa chỉ IP đúng, bạn sẽ không thể truy cập vào trang web mà bạn tìm kiếm.

vì sao bạn cần đến một dịch vụ lưu trữ dns hoàn hảo?
Vì sao bạn cần đến một dịch vụ lưu trữ DNS hoàn hảo?

Vì vậy các máy chủ DNS đóng vai trò quan trọng trong việc dịch tên miền thành địa chỉ IP, giúp các máy tính có thể truy cập vào máy chủ chính xác. Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ “hệ thống tên miền” chịu trách nhiệm quản lý các máy chủ này, thường đi kèm với dịch vụ đăng ký tên miền. Dưới đây là vai trò chính của dịch vụ DNS:

  1. Bảo mật trang web của bạn: Tin tặc có thể “nghe lén” thông tin nhạy cảm như số thẻ tín dụng và mật khẩu khi khách hàng truy cập trang web của bạn. DNS cao cấp xác minh khách truy cập đang truy cập đúng website, giúp ngăn chặn các hành vi đánh cắp dữ liệu và bảo vệ thông tin của bạn.
  2. Tăng độ tin cậy: Các lỗi như “không tìm thấy website” có thể khiến bạn mất khách hàng và doanh thu, thậm chí gây ấn tượng xấu về độ chuyên nghiệp. Hệ thống tên miền đảm bảo trang web của bạn luôn hoạt động 24/7, giúp duy trì sự ổn định cho khách hàng truy cập bất cứ lúc nào.
  3. Cải thiện hiệu suất: Nếu khách hàng phải chờ lâu hoặc gặp lỗi khi truy cập, họ sẽ mất kiên nhẫn. Với “hệ thống tên miền” cao cấp, dữ liệu được lưu trên nhiều máy chủ toàn cầu, cho phép khách hàng kết nối với máy chủ gần nhất, tăng tốc độ phản hồi và cải thiện trải nghiệm người dùng.

Cách bảo vệ trang web của bạn trước các cuộc tấn công DNS

DNS là một phần quan trọng của internet, nhưng điều này cũng khiến nó trở thành mục tiêu tiềm năng cho các đối tượng tấn công. Những cuộc tấn công như DNS hijacking (chiếm quyền điều khiển “hệ thống tên miền”), trong đó tin tặc chiếm quyền đăng nhập của nhà cung cấp dịch vụ “hệ thống tên miền” và chuyển hướng lưu lượng truy cập, xảy ra khá phổ biến. Các cuộc tấn công này thường dễ thực hiện và chi phí thấp, bởi vì nạn nhân thường không áp dụng các biện pháp bảo mật cơ bản. Việc thêm một lớp bảo mật bổ sung có thể giúp bảo vệ sự hiện diện trực tuyến của bạn.

cách bảo vệ trang web của bạn trước các cuộc tấn công dns
Cách bảo vệ trang web của bạn trước các cuộc tấn công DNS

Dưới đây là 3 bước cơ bản để ngăn chặn các cuộc tấn công:

  1. Sử dụng “Xác thực đa yếu tố” cho đăng nhập DNS và nhà đăng ký, bạn nên giới hạn quyền truy cập vào trang web của mình hoặc tài khoản nhà đăng ký tên miền. Hãy sử dụng xác thực đa yếu tố để tăng cường bảo mật. (bạn có thể tham khảo cách sử dụng plugin wp 2fa để bảo vệ website của mình nhé)
  2. Áp dụng bộ lọc DNS để ngăn bạn kết nối với các địa chỉ IP độc hại, nếu truy vấn của bạn dẫn đến một địa chỉ IP đáng ngờ, bộ lọc sẽ ngăn không cho hệ thống phân giải địa chỉ đó, từ đó bảo vệ mạng của bạn khỏi bị tấn công.
  3. Kiểm tra mạng của bạn để phát hiện rò rỉ DNS – có nghĩa là bên thứ ba có thể nghe lén hoạt động duyệt web của bạn, họ có thể theo dõi địa chỉ IP và giám sát mọi hoạt động trực tuyến của bạn. Hãy nhờ các chuyên gia CNTT giúp bạn kiểm tra thường xuyên để phát hiện và ngăn chặn rò rỉ.

Nói tóm lại DNS giúp internet hoạt động dễ dàng và trơn tru bằng cách dịch tên miền thành địa chỉ IP, nhờ có “hệ thống tên miền” người dùng không cần ghi nhớ chuỗi số dài để truy cập trang web. Nếu địa chỉ IP thay đổi, DNS sẽ cập nhật mà không ảnh hưởng đến việc tìm kiếm dịch vụ. Điều này không chỉ giúp internet thân thiện hơn với người dùng mà còn cho phép doanh nghiệp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ mà không mất lưu lượng truy cập. DNS là nền tảng của internet, và nếu thiếu nó, internet sẽ không thể vận hành như hiện tại.

FAQ - Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến DNS

Bạn có thể sử dụng DNS leak test là một công cụ bảo mật trực tuyến giúp bạn phát hiện sự rò rỉ DNS. Kiểm tra rò rỉ cho thấy liệu thiết bị của bạn có đang gửi các yêu cầu DNS đến máy chủ “hệ thống tên miền” của nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) của bạn hoặc đến các máy chủ DNS của bên thứ ba khác hay không. Hiện có nhiều công cụ kiểm tra rò rỉ DNS có sẵn trực tuyến như:

  1. DNSLeakTest.com – Cung cấp hai loại kiểm tra, nhanh và mở rộng, để giúp bạn phát hiện rò rỉ.
  2. IPLeak.net – Ngoài việc kiểm tra rò rỉ DNS, nó còn kiểm tra IP và WebRTC rò rỉ.
  3. ExpressVPN – Một công cụ kiểm tra rò rỉ DNS được cung cấp bởi dịch vụ VPN ExpressVPN.
  4. Perfect Privacy – Dành cho người dùng muốn kiểm tra xem các yêu cầu DNS của họ có bị rò rỉ hay không.
  5. NordVPN – Công cụ của NordVPN giúp người dùng xác định xem kết nối có an toàn hay không.

Đổi DNS của nhà mạng sang DNS công cộng là cách đơn giản và nhanh chóng để truy cập các trang web bị chặn mà không cần cài đặt thêm phần mềm. Khi sử dụng “hệ thống tên miền” công cộng, bạn có thể vượt qua các hạn chế của nhà mạng trong vài phút. Việc đổi DNS sẽ giúp bạn truy cập nhanh và bảo mật hơn khi lướt web.

Hướng dẫn thực hiện:

Bước 1: Vào phần cài đặt trên thiết bị và chọn mạng Wifi bạn muốn kết nối.

Bước 2: Nhấn và giữ mạng Wifi đang sử dụng để mở giao diện cấu hình mạng.

Bước 3: Chọn Cài đặt nâng cao và chuyển cài đặt IP sang chế độ Tĩnh. Ở đây, bạn sẽ thấy hai trường DNS1 (chính) và DNS2 (phụ).

Nhập thông tin của một số DNS công cộng phổ biến:

  1. Google Public DNS:
    • Chính: 8.8.8.8
    • Phụ: 8.8.4.4
  2. OpenDNS:
    • Chính: 208.67.222.222
    • Phụ: 208.67.220.220
  3. Cloudflare:
    • Chính: 1.1.1.1
    • Phụ: 1.0.0.1

Sau đó nhấn Lưu để hoàn tất.

  • Bảo mật DNS qua hệ thống VPS (Virtual Private Server) là một phương pháp hiệu quả để tăng cường bảo mật cho các yêu cầu DNS của bạn. Dưới đây là những lợi ích và hướng dẫn cơ bản về cách thực hiện:
  •  Sử dụng VPS cho phép bạn kiểm soát hoàn toàn “hệ thống tên miền” của mình, giúp bạn tùy chỉnh và tối ưu hóa theo nhu cầu cụ thể.
  • VPS có thể được cấu hình để sử dụng các giao thức bảo mật như DNSSEC, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công giả mạo DNS và rò rỉ thông tin.
  • Với VPS, bạn có thể tối ưu hóa cấu hình máy chủ để xử lý các yêu cầu DNS nhanh hơn, cải thiện trải nghiệm người dùng.
  • Sử dụng VPS giúp bạn tránh khỏi các hạn chế từ nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), cho phép bạn truy cập tự do hơn vào các dịch vụ và trang web.

Với vai trò như một “xương sống” của internet, DNS giúp kết nối mọi người và dịch vụ trên toàn thế giới một cách nhanh chóng, hiệu quả, và bảo mật. Nếu không có “hệ thống tên miền”, internet sẽ trở nên phức tạp và khó tiếp cận đối với hầu hết mọi người. Hy vọng với những kiến thức trên, bạn đã hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của DNS trong việc duy trì sự hoạt động ổn định và hiệu quả của internet, cũng như nắm bắt được một số cách bảo vệ bản thân trước các cuộc tấn công DNS; bằng cách áp dụng những phương pháp này, bạn có thể an tâm hơn khi truy cập internet và bảo vệ sự hiện diện trực tuyến của mình khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *